VÌ CON TỰ KỶ, MẸ BIẾT ĐỨNG LÊN

“Khi có một đứa con bệnh như vậy, người đau khổ nhất luôn là người mẹ, bởi mẹ gần gũi con nhất. Nếu người mẹ không đứng lên được sau những quỵ ngã thì sẽ không giúp được cho đứa trẻ đâu.”

Biến nỗi đau thành sự quyết tâm

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER (NV) – Có lẽ chuyện Hằng Nguyễn tốt nghiệp y tá RN ở trường New York University vào tuổi gần 40 cũng sẽ bình thường như bao chuyện khác.

 

Nhưng chuyện một người mẹ trải qua 3 năm bị trầm cảm khi biết con tật nguyền vì mang bệnh tự kỷ, biết đứng lên, vượt qua nghịch cảnh để có thể vừa đi làm, đi học, và chăm sóc con bệnh trong bao năm trời không phải là chuyện ai cũng có thể làm

“Khi có một đứa con bệnh như vậy, người đau khổ nhất luôn là người mẹ, bởi mẹ gần gũi con nhất. Nếu người mẹ không đứng lên được sau những quỵ ngã thì sẽ không giúp được cho đứa trẻ đâu.” Hằng Nguyễn chia sẻ.

Cứ ngỡ bệnh con chữa được, đâu biết nó sẽ “tật nguyền”

Năm 1998, Hằng Nguyễn cùng chồng và đứa con gái 4 tháng tuổi tên Tina sang định cư tại tiểu bang Ohio. “Mình không hề có một người quen biết hay thân thích nào ở đây, chỉ có một nhà thờ ở Ohio bảo trợ cho vợ chồng mình, thì cứ thế mình đến Ohio ngay khi qua Mỹ,” Hằng kể.

Bốn tháng sau, vợ chồng Hằng bắt đầu đi làm “assembly” trong một hãng làm đồ nhựa.

Thời gian này bé Tina phát triển cũng như bao đứa trẻ khác, “bò sớm, ngồi sớm, đi sớm, khỏe mạnh” chỉ có điều hơi lạ là Tina “khóc rất nhiều, nuôi rất cực” và “không có để ý đến những điều mẹ dạy, như cụng đầu, vỗ tay…”

Suy nghĩ con mình “có điều gì đó không bình thường” đôi khi phảng phất trong đầu Hằng, nhưng rồi mọi chuyện cũng qua, không có gì thật rõ ràng, cụ thể để mà người mẹ trẻ có đứa con đầu lòng phải để ý.

12 tháng, Tina cũng nói vài chữ. Thế nhưng sau một trận sốt khi bị viêm tai, Tina đã “nín nói luôn.”

“Nó không nói gì hết nhưng ai cũng nghĩ là nó chậm nói thôi, bởi nhìn vào thấy nó vẫn khôn ngoan, lanh lẹ.” Người mẹ kể tiếp.

Ðến năm Tina gần 3 tuổi, một cô giáo dạy tiếng Anh nói với vợ chồng Hằng rằng “Tina có dấu hiệu của một đứa trẻ bị autism.”

“Nghe cô giáo nói mình cũng không biết đó là bệnh gì, cứ nghĩ nó chậm nói nên mang đi đến bệnh viện hoặc nhờ bên ngoài can thiệp, chứ trong đời mình đã có bao giờ nghe từ ‘autism’ đâu,” Người mẹ ngậm ngùi.

Một nhóm bác sĩ của bệnh viện nhi đồng gần nơi Hằng ở đã làm một cuộc kiểm tra đứa bé gần 3 giờ đồng hồ. Cuối cùng họ thông báo cho vợ chồng Hằng biết, “Con bé bị autism.”

“Bác sĩ kết luận như vậy nhưng mình vẫn không hiểu gì hết, bởi chưa bao giờ nghe đến bệnh đó hết.” Hằng nhớ lại cảm xúc của mình khi đó.

Tra tự điển, biết “autism” trong tiếng Việt có nghĩa là “tự kỷ,” và kiến thức của vợ chồng Hằng về căn bệnh cũng chỉ dừng lại ở đó.

Hằng thổ lộ: “Năm 2000 mình còn mù Internet lắm, cũng không để ý gì hết. Người ta vẽ sao mình làm vậy. Mình cứ nghĩ autism cũng chữa khỏi bằng phương pháp này phương pháp khác, như bao nhiêu bệnh khác. Mình không hề nghĩ là rồi đây nó sẽ là một đứa trẻ tật nguyền.”

Người ta cung cấp cho Tina những chương trình giáo dục đặc biệt, cả ở trường lẫn ở nhà. Ðến gần một năm sau, “thấy người ta quan tâm dạy cho con mình mà không thấy nó tiến triển gì hết,” Hằng, khi đó đã biết đến Internet, lên mạng tìm hiểu, và “từ từ nhận ra tình trạng con mình rất trầm trọng.”

Khi đó, “nỗi đau bắt đầu thấm dần.” Hằng nhỏ giọng.

Dai dẳng đau khổ với những suy nghĩ, “Tương lai con mình sẽ ra sao? Nếu mình không còn sức nuôi nó được nữa thì nó sẽ thế nào? Sao mình không biết sớm hơn.” Hằng bị trầm cảm trong suốt 3 năm liền. Cứ tới giờ thì đi làm, sau giờ làm trở về nhà, chăm sóc con, không trò chuyện, chơi đùa với bất kỳ ai hết.

Hằng khóc. Khóc những khi một mình. Khóc khi ôm con vào lòng. Khóc trên vai ông xã.

“Ông xã mình cũng rất đau khổ, nhưng vì là đàn ông, ổng tỏ ra vững vàng để an ủi mình, để chăm sóc con một cách kỹ lưỡng.” Hằng nói.

Ðể giúp Hằng có thể vượt qua cơn khủng hoảng tâm lý, chồng Hằng đề nghị nên sanh thêm một đứa con nữa.

“Ðó cũng là những ngày tháng mình sống trong sợ hãi.” Nỗi phập phồng về số phận của đứa con thứ hai đeo đẳng Hằng cho đến khi em bé được 8 tháng, và tỏ ra có những phản ứng với những tiếng gọi, tiếng vỗ tay của bố mẹ. Hằng thở phào nhẹ nhõm.

Hằng nói bằng sự xúc động: “Phải trên 3 năm mình mới đứng lên được, để mà chấp nhận rằng mình có một đứa con tật nguyền. Thực ra đó là cả một quá trình, quá trình đó tốn thời gian mà chỉ có người trong cuộc mới biết được.”

Và đứa con trai thứ hai chính là động lực giúp Hằng có thêm nghị lực.

Ðứng lên và đi học lại

Ðứa con thứ hai được 10 tháng, hãng làm của Hằng bắt đầu bớt việc. Theo lời một người bạn, Hằng ghi danh đi học LPN (licensed Practical Nurses) vào các buổi tối Hai, Ba, Tư và Năm. Ba ngày cuối tuần Hằng vẫn đi làm “assembly” ca đêm.

 

Lý do để thực sự có thể quay trở lại trường học của Hằng là, “Mình thấy ở đâu cũng vậy, khi mình có bằng cấp cao hơn, mình được trọng vọng nhiều hơn. Nhất là khi mình là người Châu Á đến một đất nước mới như thế này thì mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để khẳng định chỗ đứng của mình, bất cứ nghề nào cũng vậy.”

“Mình học từ 5 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Về đến nhà, ăn uống, tắm táp, rồi học bài đến 1, 2 giờ sáng. Trước khi vào lớp, đưa con đi bác sĩ, hay bất cứ lúc nào mình cũng có cuốn sách trên xe.” Hằng kể lại chuyện đi học.

“Học rất cực, rất vất vả” là điều Hằng Nguyễn nhấn mạnh.

“Khi đó tiếng Anh mình chưa có giỏi, phải tra tự điển từng chữ. Học Anh Văn viết essay sai tùm lum hết, nó chẳng giống cách viết khi mình học ở Việt Nam.” Hằng cười nhớ lại.

Có điều, Hằng không hề nản chí, “nhất là khi thấy mỗi ngày mình lại học thêm được một điều gì đó, biết thêm một cái gì đó.”

Hằng chọn đi học ban đêm, đi làm ca đêm bởi “mình phải đưa đón con đi học, mình không muốn con ra đứng đón xe bus tội nghiệp, Ohio lạnh lắm!”

Bên cạnh đó, “trường của Tina có thể gọi bất cứ lúc nào. Ðôi khi nó bệnh sốt, hay quậy phá, mình cũng phải đón nó. Nếu đi làm ca ngày thì làm sao bỏ đi được!”

Tina đã 13 tuổi, nhưng Hằng vẫn phải tắm cho con, cho con ăn, nhắc nhở, coi chừng nó từ chuyện đi vệ sinh, bởi “đầu óc nó non nớt như một đứa trẻ lên 2, lên 3. Cái gì nó cũng làm cho lẹ, lấy có.”

Và vì là một đứa trẻ bị autism “tật nguyền” nên dù cơ thể Tina phát triển như thiếu nữ, “nhưng chuyện đến kinh kỳ hàng tháng, mình cũng phải lo mà coi chừng thay băng cho nó.” Buổi tối Hằng đi làm thì chồng Hằng lại là người thay vợ lo cho con.

Tháng 10, 2005, sau 16 tháng, trong đó có 2 tháng gián đoạn vì Tina phải vào bệnh viện, Hằng Nguyễn lấy xong chứng chỉ LPN và bắt đầu công việc tại ở “Rehabilitation center,” nơi chuyên chăm sóc cho bệnh nhân sau khi mổ và trước khi được cho về nhà.

Ði học, đi làm, Hằng nhận ra rằng: “Khi mình có một đứa con tật nguyền như vậy, mình lại thấy nghề mình chọn là đúng. Nó giúp mình đứng lên được, không còn quỵ ngã như trước. Mỗi ngày sau khi bước chân ra khỏi chỗ làm, mình cảm thấy vui khi giúp được người này người khác.”

Sau một thời gian làm LPN, cảm thấy công việc của mình bị nhiều hạn chế trong việc chăm sóc người bệnh, Hằng Nguyễn quyết định học tiếp để lấy license y tá RN.

Ngày 17 tháng 6 vừa qua, Hằng Nguyễn đã chính thức tốt nghiệp trường New York University với bằng Associate in Applied Science in Nursing. Dự tính sắp tới Hằng sẽ thu xếp để học tiếp lấy bằng cử nhân BSN (Bachelor of Science in Nursing).

***

Nhìn lại những gì đã trải qua, Hằng chia sẻ: “Mình nghĩ nếu ngày xưa con bé không bệnh, nó như một đứa trẻ bình thường thì mình đã không có được bản lĩnh của ngày hôm nay, cũng sẽ tiếp tục đi làm hãng mà không có sự cố gắng đứng lên. Và cũng không nhận ra là mỗi ngày mình cần phải biết tận hưởng niềm vui của cuộc sống.”

“Khi có một đứa con bệnh như vậy, người đau khổ nhất luôn là người mẹ, bởi mẹ gần gũi con nhất. Nếu người mẹ không đứng lên được sau những quỵ ngã thì sẽ không giúp được cho đứa trẻ đâu.” Hằng nói.

Cô cũng cho rằng mình may mắn hơn nhiều người, bởi bên cạnh Hằng luôn có sự sát cánh của người chồng, “vợ chồng đồng lòng vượt qua cơn bão” ngay từ khi mới đặt chân đến một đất nước mới.

 

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *