Cập nhật 1/4/2015 - 23:10
2/4/2015 - Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ - World Autism Awareness Day
Năm 2007, lần đầu tiên Đại hội đồng Liên hiệp quốc lấy ngày 02/4 làm ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ. Thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chứng Tự kỷ; sự cần thiết để giúp cải thiện cuộc sống của trẻ em và người lớn bị rối loạn để họ có thể sống một cuộc sống đầy đủ và có ý nghĩa hơn.

Cần phát hiện và can thiệp sớm trẻ tự kỷ (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia sức khỏe, số lượng trẻ tự kỉ tại Việt Nam đang gia tăng mạnh qua từng năm. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác về vấn đề này, tuy nhiên, tính đến năm 2009, chỉ tính riêng Bệnh viện Nhi Trung ương có 1752 bệnh nhi bị tự kỉ (trước đó, năm 2008 là 963 trẻ). Con số này chưa bao gồm số trẻ tự kỉ tại các bệnh viện khác trên cả nước và các chuyên gia nhận định đây chỉ là bề nổi của ‘tảng băng chìm’ vì còn có rất nhiều trẻ tự kỉ chưa được khám bệnh và điều trị kịp thời. Theo ước tính, Việt Nam có tổng cộng hơn 200.000 người tự kỉ. Hiện nay, khi nhắc đến căn bệnh tự kỉ, các bậc cha mẹ trẻ thường có hai xu hướng: lo lắng thái quá hoặc không chịu chấp nhận sự thật là con mình bị mắc bệnh.
Năm 2014, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon đã đưa ra thông điệp: “Ngày Thế giới nâng cao nhận thức về Tự kỷ là tạo ra sự hiểu biết nhiều hơn, đó là một lời kêu gọi hành động: Tôi kêu gọi các bên liên quan tham gia trong việc thúc đẩy sự tiến bộ bằng cách hỗ trợ các chương trình giáo dục, cơ hội việc làm và các biện pháp khác có thể trợ giúp thực hiện mong muốn về một thế giới toàn diện hơn".
Tự kỷ là một trong những Hội chứng rối loạn phát triển ở trẻ em, ảnh hưởng đến nhiều mặt về sự phát triển của trẻ nhưng chủ yếu là: khiếm khuyết về tương tác xã hội, khiếm khuyết về giao tiếp (không lời và lời nói) và có những hành vi bất thường. Những biểu hiện của chứng tự kỷ khá đa dạng và có mức độ khác nhau, do vậy có những trẻ bị mắc bệnh thể nhẹ thường được phát hiện muộn khi đang đi học tiểu học. Ngược lại có những trẻ bị nặng, thể điển hình có thể được cha mẹ phát hiện và đưa đi khám sớm từ lúc 12 – 18 tháng tuổi.
Nguyên nhân gây Tự kỷ đang được nghiên cứu như: tổn thương não thực thể, di truyền (gien) và do yếu tố môi trường, lối sống; Hậu quả của Hội chứng tự kỷ rất nghiêm trọng: Nó ảnh hưởng không chỉ bản thân đứa trẻ, gia đình mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Một đứa trẻ tự kỷ nếu được phát hiện và can thiệp sớm thì 30% có cơ hội khỏi hoàn toàn, 70% còn lại phát triển nói chung là tốt, có thể có trẻ giao tiếp được bằng lời nói hoặc không thể giao tiếp bằng lời nói, nhưng ý thức được hành vi và độc lập được cuộc sống. Còn trẻ tự kỷ không được phát hiện sớm, hoặc phát hiện sớm nhưng gia đình không chấp nhận can thiệp và rơi vào tình trạng nặng, kèm theo chậm phát triển trí tuệ thì sau này sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn tâm thần.
Can thiệp sớm trẻ tự kỷ là điều rất cần thiết, can thiệp cùng lúc nhiều khía cạnh khác nhau mà trong đó chủ yếu là Y tế và Giáo dục (giáo dục đặc biệt và trị liệu cá nhân). Trong trị liệu cá nhân (về vấn đề ngôn ngữ và huấn luyện kỹ năng sinh hoạt hàng ngày) thường sử dụng chương trình can thiệp hành vi của Mỹ (ABA), chương trình này được thiết kế đặc biệt cho trẻ có hành vi bất thường. Ngoài ra, có thể phải kết hợp với sử dụng một số thuốc trong điều trị về cảm xúc và hành vi của trẻ.
- CTV: Ths Vũ Minh Hạnh Phó GĐ – Bệnh viện BVSK tâm thần