Cập nhật 31/1/2016 - 18:15
Ký sự Philippines (phần 5)
Sáng 17/1, cả đoàn chúng tôi dậy từ 5h sáng, mặc áo phông xanh lá non, hăm hở đi tham dự sự kiện Angels Walk for Autism.Đây là sự kiện đi bộ thường niên ở Philippines.
Có khoảng 15 nghìn người tham gia (ở Việt Nam năm 2011 huy động được 5 nghìn người đi bộ ở Mỹ Đình, chúng tôi đã hoan hỉ lắm). Hội cha mẹ người tự kỷ Philippines cho chúng tôi biết, các cuộc đi bộ hàng năm này được tổ chức trong các khu thương mại lớn, và sẽ được tài trợ toàn bộ, chỉ với điều kiện huy động đủ số lượng người tham gia. Và họ chả bao giờ phải vất vả huy động cả. Nhận thức cộng đồng về chứng tự kỷ ở Philippines rất cao và năm nào họ cũng tự nguyện tham gia. Đúng vậy, khi đến đó, tôi nhìn thấy những chiếc áo phông xanh lá non đã cũ, chúng được sử dụng nhiều lần rồi.
Nơi tổ chức sự kiện năm nay là Mall of Asia Arena, một khu phức hợp thể thao giải trí và mua sắm lớn tại Pasay City. Đoàn Việt Nam là khách quốc tế quan trọng, được đi qua khu cửa VIP vào một phòng thi đấu trong nhà khổng lồ. Các khán đài chật kín áo xanh lá non. Trên sân khấu lớn, lễ khai mạc bắt đầu.
Các diễn văn đều rất ngắn, và là phát biểu miệng, đầy nhiệt huyết, không phải những bài đọc soạn trên giấy. Xen giữa là những tiết mục biểu diễn, có cả người tự kỷ tham gia. Nunu Supanoong, cô gái Thái đã kết bạn với tôi, hát một bản thính phòng tuyệt vời. Nunu đã học xong đại học, đang làm việc cho APCD. Chỉ nhận ra cô ấy tự kỷ khi cô ấy cực kỳ nguyên tắc trong khi làm việc, và ứng xử gay gắt khi có gì trái với lịch trình. Dang Koe (chúng tôi gọi là chị Đặng), một người mẹ có con tự kỷ, năm nay đã ngoài 60, cũng xuất hiện trên sân khấu. Có thể tưởng tượng đựoc không, chị ấy cắt tóc kiểu "một mất một còn", mặc váy ngắn, nhảy sexydance cùng một nhóm thiếu nữ. Năng lượng tràn trề, trí tuệ, mạnh mẽ, đầy cảm hứng, chị đang là chủ tịch Hiệp hội Tự kỷ Philippines, và vừa trở thành chủ tịch AAN (Mạng lưới tự kỷ Asean) nhiệm kỳ hai năm. Tôi vật vã quay sang Mai Anh: "Trời ơi, hình mẫu đó, rồi chị phải giống chị ấy nhé. Em cố theo sau". Năng lượng và cá tính là cái gì đó cứ thiếu thiếu ở VN nhà mình (dù lố lăng thì lại có thừa, vậy đó, hic)
Lễ khai mạc sôi nổi kết thúc, cuộc đi bộ bắt đầu. Đoàn VN xếp trong khối đầu tiên, đi sau những quan khách quan trọng nhất. Tôi thầm rên rỉ tiếc không mang theo một lá cờ VN. Thôi rút một tờ giấy, ghi chữ VIỆT NAM rồi giơ cao lên vậy. Trời nắng rực rỡ, fly-cam bay vù vù phía trên, nhạc tưng bừng, đoàn người xanh biếc đi vòng quanh khu thương mại cực lớn. Các cửa hàng đều treo biển chào mừng. Thi thoảng có tốp người nhìn thấy tấm bảng VIỆT NAM trong tay tôi, họ hét vang lên Việt Nam! Việt Nam! Tự hào quá!
Cảm xúc của những lần Đi bộ vì tự kỷ ở Việt Nam lại ùa về. Lần đầu năm 2010, khoảng 2000 người tham gia, lần hai năm 2011, khoảng 5000 người. Đó là những sự kiện đầu tiên, làm khơi dậy lên mối quan tâm đến chứng tự kỷ ở Việt Nam. Vào những ngày đó, tôi đã viết: "Hãy đến và cùng chúng tôi dắt những cánh tay bé nhỏ bước đi trên đường phố. Chúng tôi không đủ sức tạo nên một thế giới thân thiện cho đứa con khuyết tật của mình, nhưng nếu bạn giúp đỡ và đồng hành, thì điều đó hoàn toàn có thể"
Những cánh tay chúng tôi dắt đi bộ năm đó giờ đã lớn lên thành những thiếu niên. Vài đứa đang bay cùng tôi chuyến đi này. Ngô nghê nhưng đủ tự tin làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh. Giành huy chương trong một cuộc thi thể thao. Tham gia dự tiệc quốc tế không cần bố mẹ giám sát. Đi bộ trong rừng người, vì một cộng đồng thân thiện với người khuyết tật, vì một cuộc sống mà mỗi con người dù không hoàn hảo vẫn được coi là một thiên thần. Muốn khóc...
Chúng tôi kết thúc cuộc đi bộ với tâm trạng như vừa trải qua một màn pháo hoa, cứ lâng lâng, lung linh. Nhưng chưa hết, ngày hôm sau ở lại Philippines, còn nhiều điều bất ngờ chờ đón...
(Còn tiếp)
Mai Trần